Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

Chúng ta có cần sống quan tâm nhau?


 “Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam mới xứng đáng. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người thì Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”    Lý Quang Diệu

Mỗi lần nghe ai nhắc câu đó trong lòng có chút tự hào và cả hổ thẹn.
Tự hào rằng mình là công dân Việt Nam, và hổ thẹn cũng vì lí do đó. Một tí xấu hổ vì thực trạng phát triển nước ta lâu nay vẫn còn vô số hạn chế.

Nói về chính trị, Việt Nam có vị trí thuận lợi nhất Đông Nam Á từ bao đời nay.
Nói về tài nguyên, Việt Nam có rừng vàng biển bạc không quốc gia Đông Nam Á nào sánh bằng.
Vậy phải chăng yếu tố con người là nguyên do khiến Việt Nam phát triển chậm như thế?

Chúng ta có cần quan tâm nhau?



Đúng thật như vậy.
Văn hóa Việt Nam trước kia rất tuyệt vời. Các nhà sống vui vẻ hạnh phúc cùng với hàng xóm láng giềng. Mọi người quan tâm lẫn nhau tạo thành làng xã gắng kết trong cuộc sống, đặc biệt mỗi khi có chiến tranh tinh thần tương thân tương ái ấy lại trỗi mạnh hơn bao giờ hết.
Nói đến chiến tranh và đấu tranh giải phóng dân tộc có lẽ là phần tự hào nhất của dân tộc Việt Nam bấy lâu nay.

Chúng ta trải qua hơn 1000 năm đô hộ của phương Bắc. Từ thời các Vua Hùng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt đến Quang Trung… thừa nhận rằng tất cả các vị tướng đều giỏi, nhưng điểm quan trọng nhất trong các chiến thắng đó là sự đoàn kết hỗ trợ, giúp đỡ của nhân dân. Vì chúng ta phải đoàn kết để chống ngoại xâm giành lại độc lập dân tộc.

Đến thời kì chống thực dân Pháp. Hồ Chí Minh là người lãnh đạo giúp dân ta giành chiến thắng và khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại quảng trường Ba Đình vào ngày 02/09/1945. Nhưng nếu không có sự đoàn kết, chung sức một lòng của nhân dân thì liệu có nước ta bây giờ?

Tiếp đó là cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ. Miền Nam kháng chiến chống Mỹ. Miền Bắc vừa là hậu phương vững chắc, vừa kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Vậy thử hỏi không phải tinh thần đoàn kết thì là gì đã giúp Việt Nam ta giành thắng lợi!

Tình đoàn kết dân tộc là tia sáng đẹp nhất của Việt Nam thời kháng chiến.

Vậy bây giờ thì sao? Trong chiến tranh, mọi người đoàn kết chống ngoại xâm. Trong hòa bình, mọi người có đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển?
Tôi nghĩ có đấy! Nhưng chỉ một số rất ít trong hơn 90 triệu dân ở nước ta thôi.

Phải chăng chỉ có ông cha ta mới cảm nhận được sự đoàn kết và thấy được giá trị của nó. Có phải cuộc sống cùng cực trong kháng chiến đã tạo nên những con người sống biết đoàn kết, tương trợ không vụ lợi, không ganh đua, không tị nạnh. Còn thế hệ chúng ta thì không vì chẳng trải qua cuộc kháng chiến nào. Chúng ta sống quá hạnh phúc và tự do nên tinh thần đoàn kết bị chết mòn mỗi ngày và thay vào đó là tranh giành, ganh đua?

Phải chăng vì cuộc sống càng hiện đại, con người càng có đầy đủ tiện nghi thì trong họ càng sinh ra ích kỉ. Cuộc sống ở thành phố quá nhiều bất cập và lừa dối, có phải vì điều đó mà chúng ta cho phép bản thân bị cuốn trôi theo dòng xô đẩy. Trẻ em sáng dậy từ cái “lồng” này và hối hả chạy sang “lồng” kia, chiều thì chạy về cái “lồng” được ra lúc sáng, hoặc có thể đi đến một cái “lồng” hoàn toàn khác.

 Người lớn thì thôi ôi, hàng xóm sống cập bên nhà cũng chẳng buồn cười chào một tiếng. Đôi khi nghĩ đến cảm thấy quả thật tội cho họ và lo lắng cho bản thân mình. Tội cho họ vì cuộc sống quá ngắn mà họ quá tiết kiệm nụ cười, hiển nhiên nụ cười làm cuộc sống đẹp hơn. Cảm thấy lo lắng cho bản thân bởi có thể những người đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến mình.
Mà thôi, mình đâu có quyền buộc người khác phải sống có tình cảm, hoặc ít nhất chỉ chào hỏi nhau.

Nhưng chúng ta có quyền “buộc” bản thân phải làm vậy.
Chúng ta có quyền lực tối cao đó là lựa chọn. Chúng ta có thể lựa chọn sống giúp đỡ, quan tâm nhau. Hoặc chúng ta có thể chọn sống ích kỉ cho riêng mình.

Tôi hy vọng rằng một ngày không xa bạn hiểu việc nhận lại là điều tất nhiên khi bạn cho đi.
Là một người trẻ và tôi có niềm tin vào thế hệ trẻ lúc này. Tôi không khuyên bạn làm bất cứ chuyện gì. Đây chỉ là những việc tôi đã làm và giờ đây chia sẻ cùng bạn.

Tôi đã trải qua thời gian sống hằn học, ích kỉ đến khó tin. Tôi cứ nghĩ những gì mình nhận được qua cách sống đó quá nhiều nhưng ai nào ngờ không phải vậy đến khi tôi mất đi những người mình yêu thương!
Sau việc đó tôi hiểu rằng “Cho đi đồng nghĩa với nhận được”. Dường như bây giờ câu nói đó trở thành phương châm sống của tôi. Tôi cho đi càng nhiều, tôi lại nhận được nhiều hơn. Từ việc học, tình cảm, đam mê, việc làm… đều tốt hơn khoảng thời gian giữa năm 2015.

Tôi tin rằng chỉ cần mình dành nhiều thời gian hơn quan tâm đến người khác. Chỉ cần mình suy nghĩ tích cực về việc cho đi thì cuộc sống này đẹp biết bao!
Nói thì vẫn dễ hơn làm bạn nhỉ. Nhưng tôi vẫn hy vọng và tin mình sẽ làm tốt hơn mỗi ngày, và tôi có thể nhận nhiều hơn so với những gì bản thân bỏ ra.
“Thế giới có rất nhiều người tốt, nếu không tìm được ai hãy trở thành người bạn cần tìm”.